[NPV – Truyền Hình Nam Phương Việt] Hương Trà – Học đường có lúc như một… chiến trường

NPV – Sang Mỹ 8 năm, nắm trong tay tấm bằng thủ khoa, nhưng cô gái gốc Huế với tên gọi Hương Trà lại trở về Việt Nam với một ước mơ: phát triển Tập đoàn Việt Nam Hiếu Học và rút hầu bao 5 tỷ đồng để thành lập Quỹ Việt Nam Hiếu Học dành cho các học sinh nghèo trên toàn quốc.

Gặp Hương Trà sau chuyến đi từ thiện tại Long An phát quà cho 130 hộ nghèo và các em học sinh nghèo thuộc xã Bình An – Long An, cô gần như “méo mặt” khi cho biết: “Để có mặt kịp thời, ngày hôm qua em đã phải di chuyển qua ba chuyến bay từ Hà Nội tới Nghệ An sau đó ghé ngang Buôn Ma Thuột giải quyết công việc rồi mới trở về Sài Gòn lúc gần 12 giờ đêm. Nói như thế để thấy được với tư cách là Chủ tịch Tập đoàn Việt Nam Hiếu Học với 8 cơ sở trải dài từ Nam ra Bắc và sang đến Mỹ đã khiến cô luôn trong tình trạng tất bật với hàng trăm công việc”.

Là cô gái trẻ đẹp, hiền hoà, thân thiện, nhưng khi vào công việc Hương Trà luôn rất cầu toàn, đặt hết tâm huyết vào công việc, đặt lợi ích của học sinh lên trên hết. Trong Tập đoàn Việt Nam Hiếu Học của Hương Trà, nhân viên có người tốt nghiệp đại học, cao học, cũng có người chỉ tốt nghiệp cao đẳng, nhưng với quan niệm “Trình độ không bằng thái độ” nên bất kỳ ai nếu tận tâm, nhiệt huyết đều có thể trở thành một nhân viên tài năng của Việt Nam Hiếu Học.

Học đường cũng là… chiến trường

Từ nhỏ cô đã từng được cha dạy: Thương trường như một chiến trường. Đến ngày học thành tài trên đất Mỹ, trở về Việt Nam, những tưởng ngành giáo dục sẽ mang một màu hồng tươi sáng, nhưng khi vào thực tế, cô mới thấy nó rất khốc liệt, và hơn cả chiến trường. Theo cô: “Các công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục hiện nay ở Việt Nam rất nhiều, nhưng những công ty, tập đoàn lớn, có nhiều kinh nghiệm, hoạt động thuần giáo dục thì không được bao nhiêu. Đa số các đơn vị chạy theo lợi nhuận hơn là mang lại lợi ích cho học sinh – những người con có thể thay đổi vận mệnh của nước mình trong tương lai, hoặc ít nhất cũng giúp thay đổi cuộc đời nhiều con người và gia đình họ”.

Trong suốt 8 năm hoạt động trong ngành giáo dục ở Việt Nam, Hương Trà đã từng gặp không ít đối thủ cạnh tranh chơi xấu, thậm chí bôi nhọ, hạ uy tín và danh dự của nhau hòng trục lợi. Họ ăn cắp giáo trình, rủ rê nhân viên, giành giựt học sinh… Với quan niệm cái gì của mình sẽ vẫn của mình, vàng thật thì không gì phải sợ lửa, Hương Trà thường nghĩ vui: “Ai không tin em lỗ ráng chịu!”. Đau lòng nhất là có những phụ huynh học sinh bị các đơn vị kém uy tín lôi kéo đi học trường cao đẳng cộng đồng, sau cùng rớt phỏng vấn visa vài lần, một năm sau lại quay lại nhờ tập đoàn của Hương Trà giúp.

Đối với cô, tiền không phải tất cả. Trong cuộc sống cần sự tôn trọng lẫn nhau, và hai chữ niềm tin. Ở Tập đoàn Việt Nam Hiếu Học, cô luôn chú trọng văn hoá công sở: Sếp và nhân viên như đồng nghiệp, tôn trọng và giúp đỡ nhau trong công việc, làm việc tự giác và trách nhiệm. Từng du học ở Mỹ suốt 8 năm trời, nên tất cả những gì tốt đẹp về văn hoá Mỹ, Hương Trà đều đem về áp dụng ở tập đoàn của mình. Đi học là phải vui phải thích, tâm lý phải luôn thoải mái. Giáo viên không được phép la mắng học sinh, phải luôn quan tâm giúp đỡ học sinh, và sẵn sàng ở lại dạy thêm giờ giúp học sinh những thời điểm then chốt nhất.

Đã từng có những ước mơ

Mơ ước lớn nhất của Hương Trà là xây trường học miễn phí cho trẻ em vùng nông thôn khó khăn ở Việt Nam, và cô tin là mình sẽ làm được trong thời gian tới vì hiện tại, Hương Trà đã nắm giữ 58% cổ phần của Tập đoàn Việt Nam Hiếu Học.

Về quê nhà thoả ước mơ

Với những ngày học tập trên đất Mỹ, Hương trà dư sức lập nghiệp và phát triển tương lai của mình nơi xứ người, nhưng cô vẫn chọn về Việt Nam để thực hiện các ước mơ của mình. Nhiều người tỏ ra tò mò về số tiền 5 tỷ đồng Hương Trà mạnh tay chi để thành lập Quỹ Việt Nam Hiếu Học.

Cô muốn lên kế hoạch các dự án thiết thực giúp trẻ em, học sinh ở Việt Nam, góp phần đem lại thêm công ăn việc làm cho người Việt Nam. Cô muốn tất cả nhân viên của mình phải lo được cho gia đình, phải phát triển được sự nghiệp bản thân, mua được nhà cửa… Đó là mong muốn lớn nhất của Hương Trà. Tính đến nay, sau 8 năm hoạt động, Việt Nam Hiếu Học của Hương Trà đã đào tạo, giúp trên 3000 học sinh đạt học bổng và đậu visa du học ở các quốc gia: Mỹ, Úc, Canada, Anh Quốc, Pháp, Hà Lan, New Zealand, Singapore…

Về việc làm từ thiện, với Hương Trà đó là một việc làm nghiêm túc, không những đòi hỏi đầu tư rất nhiều thời gian. Sắp tới vào đầu tháng 11, Việt Nam Hiếu Học sẽ phối hợp với Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi làm lễ trao học bổng ở Đắk Lắk và Thừa Thiên Huế, mỗi tỉnh 15 suất, mỗi suất 1 triệu đồng.

Năm 2020 dự kiến Quỹ Việt Nam Hiếu Học sẽ trao học bổng cho học sinh ở 20 tỉnh thành. Số tiền 5 tỷ là tiền góp để thành lập Quỹ Hiếu Học, sẽ được chi vào các dự án hỗ trợ y tế và giáo dục trong giai đoạn 2019-2024.

Để được đi Mỹ du học, ba mẹ Hương Trà phải bán căn nhà mà cô yêu quý nhất. Thời đó không có những cơ hội học bổng như bây giờ, tất cả đều phải tự túc. Tiền trường một năm riêng học phí đã khoảng 1 tỷ đồng, cộng với sinh hoạt phí, sách vở, bảo hiểm lên đến 1 tỷ rưỡi – 2 tỷ là bình thường.

“Sau khi tốt nghiệp trường đầu tiên, em bắt đầu hành trình tìm kiếm học bổng mong có cơ hội học tiếp lên. Em lặn lội, bay sang rất nhiều tiểu bang khác nhau, gặp rất nhiều người, làm việc với rất nhiều tổ chức giáo dục, nhận ra rằng không dễ mà có học bổng, và tấm bằng thủ khoa cũng chưa hẳn là gì quá cao siêu. Mãi sau này em đem cơ hội học bổng mà em đã dày công tích luỹ về cho các em học sinh, sinh viên Việt Nam. Theo em nghĩ, phần lớn các gia đình Việt không đủ khả năng lo cho con học đường dài ở Mỹ (tối thiểu cũng 8 -10 tỷ đồng để học từ trung học phổ thông đến cao học) nếu không được cấp học bổng. Thỉnh thoảng em lại nghe phụ huynh tâm sự: Vừa bán một căn nhà, một mảnh đất để lo cho cháu đi học, vì cháu nó trúng tuyển học bổng nên quyết tâm đầu tư cho nó… Nghe mà thực sự nhói lòng, nhớ về câu chuyện của chính mình”.

 

Gấm Phạm

Theo Truyền hình Nam Phương Việt npv.vn

Nguồn bài viết:

[NPV – Truyền Hình Nam Phương Việt]

https://npv.vn/huong-tra-hoc-duong-co-luc-nhu-mot-chien-truong/