Không thể phủ nhận rằng du học dù theo hình thức tự túc hay học bổng ở một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới đều có thể mở ra nhiều cánh cửa cơ hội cho học sinh, sinh viên hiếu học Việt Nam. Tuy nhiên, khi du học ngày càng trở nên phổ biến, đã xuất hiện không ít các cá nhân, tổ chức núp bóng dưới hình thức tư vấn du học để lừa đảo, những công ty “ma” với vô vàn chiêu trò tinh vi khiến cho các bậc phụ huynh và học sinh lao đao, rơi vào tình trạng tiền mất tật mang, mất phương hướng.
Những trò lừa chuyên nghiệp và cách nhận biết công ty có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức tư vấn du học:
Cam kết “bao đậu”
Các bậc phụ huynh và các em học sinh lưu ý không nên tin vào những lời hứa hẹn không có cơ sở và rất thường gặp như: “cam kết 100% đậu visa” hay “bao đậu”. Việc một hồ sơ du học có được đại diện Đại sứ quán/Lãnh sự quán xét cấp thị thực để học tập tại quốc gia đó hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (học lực, hạnh kiểm, trường nhập học ở nước ngoài, tài chính gia đình, lịch sử di trú của cá nhân và gia đình…), mà ngay chính bản thân viên chức Đại sứ quán/Lãnh sự quán ở thời điểm đó, trên nguyên tắc không bao giờ được phép tự ý quyết định dựa trên phán đoán hoặc cảm xúc cá nhân.
Vì vậy, việc một cá nhân, một đại diện công ty dám đưa ra những hứa hẹn, cam kết chắc chắn có thể giúp con em quý vị được xét cấp visa du học, theo kinh nghiệm và chuyên môn của chúng tôi, đây là những cá nhân, tổ chức không đáng tin cậy, làm việc không theo đúng quy trình, đặt nặng giá trị về lợi nhuận và kinh doanh.
“Miễn phí” dịch vụ
Rất nhiều tổ chức, cá nhân thường xuyên đăng quảng cáo miễn phí dịch vụ tư vấn và xử lý hồ sơ du học, được hiểu là làm giúp hồ sơ không thu phí, nhưng thực chất họ lại đẩy học phí lên gấp hai, ba lần, hoặc tìm cách thu thêm những lệ phí, chi phí, phí chứng minh tài chính, phí chuyển đổi bảng điểm… vốn không được nhà trường nước ngoài yêu cầu. Nhiều phụ huynh vì ham rẻ, “miễn phí”, không tìm hiểu kỹ càng dẫn đến “mắc bẫy” lừa đảo thông qua hình thức tư vấn du học, sau cùng con em cũng không được nhập học ở trường nước ngoài.
Quý phụ huynh lưu ý chỉ nên thanh toán học phí khi có hoá đơn của nhà trường nước ngoài, và nên minh bạch mọi chi phí ngay từ khi ký kết hợp đồng, tiến hành hồ sơ du học. Ngoài ra, quý vị có thể đặt câu hỏi: Công ty/tổ chức này được thành lập và hoạt động với mục đích gì, doanh thu từ đâu, nguồn kinh phí nào cho các chi phí vận hành để duy trì doanh nghiệp, nếu là tổ chức phi lợi nhuận/từ thiện thì có giấy phép của Bộ Nội vụ hoặc Uỷ ban Nhân dân cấp Tỉnh/Thành phố đó hay không?
“Bẫy” chứng minh tài chính
Chứng minh nguồn thu nhập của người bảo lãnh tài chính cho du học sinh là điều cần thiết, góp phần quan trọng quyết định việc du học thành công của một du học sinh. Mặt khác, lợi dụng vào điều này để “vẽ” thêm phí chứng minh tài chính, yêu cầu gia đình học sinh phải đóng một khoản thù lao cho công ty hay cá nhân thuộc đơn vị thụ lý hồ sơ là làm trái với đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước khi có nhiều tổ chức, cá nhân giả mạo hồ sơ công tác, bổ nhiệm chức vụ, làm giả con dấu pháp nhân công ty, vi phạm pháp luật và gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín quốc gia, dân tộc, cơ quan/tổ chức và các cá nhân có liên quan, ảnh hưởng xấu đến hồ sơ du học của du học sinh đối với nhà trường ở nước ngoài và Đại sứ quán/Lãnh sự quán các nước tại Việt Nam.
Lời cam kết vừa học vừa làm hưởng lương cao
Những hứa hẹn “trên mây” vẽ ra những bức tranh “màu hồng” như cam kết du học sinh sẽ được nhận lương ít nhất 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng mỗi tháng khiến không ít gia đình rơi vào khủng hoảng kinh tế, từ bỏ giấc mơ du học và dở dang việc học hành của các em tại Việt Nam. Thực tế, đây chỉ là một chiêu trò quảng cáo, bởi học sinh quốc tế chỉ được phép làm việc bán thời gian ngoài giờ học, tối đa từ 20 đến 28 tiếng mỗi tuần, tùy theo quy định của quốc gia du học, và tiền lương từ công việc làm bán thời gian tại nhà trường chỉ có thể giúp các em đủ trang trải chi phí sinh hoạt hoặc tiền tiêu vặt và sách vở.
Du học là một cuộc hành trình chinh phục tri thức đòi hỏi thời gian, ý chí, bản lĩnh, sự kiên trì, sức khoẻ, năng lực học tập, và khả năng tài chính nhất định (phụ thuộc giá trị học bổng và chi phí sinh hoạt từng vùng miền, quốc gia). Vì vậy, việc đi du học cần được lên kế hoạch chi tiết, chuẩn bị kỹ lưỡng, du học sinh cần tự trang bị kỹ năng, học về văn hoá, ngôn ngữ và hệ thống giáo dục của quốc gia sẽ du học. Một kế hoạch tốt luôn đi cùng một thành công lớn.
Xem thêm: NHỮNG TRÒ LỪA CHUYÊN NGHIỆP NÚP BÓNG TƯ VẤN DU HỌC – PHẦN 2