NHỮNG TRÒ LỪA CHUYÊN NGHIỆP NÚP BÓNG TƯ VẤN DU HỌC – PHẦN 2

Đọc tiếp phần 2 của bài viết “NHỮNG TRÒ LỪA CHUYÊN NGHIỆP NÚP BÓNG TƯ VẤN DU HỌC”

“Du học không cần chứng chỉ, bằng cấp” – “Vác ba lô lên là đi”?

Du học, hay nói cách khác là học tập ở một quốc gia với hệ thống giáo dục hoàn toàn khác biệt, học tập bằng một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ, có thể nói vừa là cơ hội, vừa là thử thách giúp các em học sinh hiếu học mở ra một trang mới trên con đường đi tìm tri thức. Vì vậy, không thể nói rằng đi du học là dễ dàng hay đơn giản, mà chỉ cần “vác ba lô lên là đi” như vô số những lời mời gọi, chiêu trò từ các đơn vị không phép, thiếu uy tín. Có trường hợp du học sinh bị lừa nhập học vào những trường không tồn tại hoặc những trường rất nhỏ không như quảng cáo, trường không thuộc hệ thống giáo dục của chính phủ, hoặc đăng ký học được vài tháng thì trường buộc phải đóng cửa.

Khi nộp hồ sơ xin nhập học từ trường học nước ngoài, nhà trường luôn yêu cầu bảng điểm của các năm học, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có), đồng thời nhà trường sẽ sắp xếp thời gian để trực tiếp phỏng vấn học sinh sau khi xem xét hồ sơ. Học sinh, sinh viên Việt Nam du học theo chương trình học bổng được tuyển thẳng vào chương trình chính khoá khi nhập học. Học sinh, sinh viên bắt buộc đã hoàn thành chương trình học trước đó tại Việt Nam và bổ sung đầy đủ hồ sơ cho nhà trường, để làm cơ sở cho việc cấp bằng tốt nghiệp về sau khi học sinh hoàn thành chương trình học.

Nếu du học không yêu cầu năng lực ngoại ngữ, không cần bằng cấp, đầu vào tự do, liệu học sinh sẽ du học thành công, và liệu đó là một ngôi trường chất lượng và có thật?

Hợp đồng miệng – Không xác lập hợp đồng

Quý phụ huynh học sinh cần yêu cầu đơn vị tư vấn du học xác lập hợp đồng với đầy đủ các điều khoản và ràng buộc giữa đơn vị tư vấn, nhà trường và phụ huynh học sinh. Trong đó, các điều khoản phải rõ ràng, có đầy đủ thông tin về trường học ở nước ngoài, tên quốc gia du học, địa điểm và thời gian học tập, chương trình du học, quyền và nghĩa vụ của các bên, hướng xử lý rủi ro, minh bạch số tiền thanh toán kèm phiếu thu, và khi nộp hồ sơ phải lập biên bản tiếp nhận hồ sơ.

Đặc điểm nhận biết của những công ty, cá nhân núp bóng tư vấn du học để lừa đảo là hoặc hợp động “miệng” dựa trên mối quan hệ qua lời giới thiệu, hoặc một bản hợp đồng rất chung chung, không rõ ràng các điều khoản nhằm khiến phụ huynh không thể khiếu nại, yêu cầu quyền lợi cho mình về sau. Ngoài ra, trong quá khứ đã có không ít trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa thông qua hợp đồng biến tướng vừa đi học vừa đi làm ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Quý phụ huynh chỉ nên ký kết hợp đồng để đi học tập ở nước ngoài, không ký kết hợp đồng vừa học vừa làm.

Bài đăng, thông tin trong các hội nhóm trên mạng xã hội

Cảnh giác với những thông tin không kiểm chứng trên các trang mạng xã hội là việc làm không dư thừa. Với những đối tượng lừa đảo, công ty trá hình, việc đưa ra những lời hứa hẹn “trên mây” hay hướng dẫn phụ huynh học sinh làm hồ sơ giả mạo nhằm qua mắt các cơ quan chức năng vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt.

Quý phụ huynh học sinh khi có nguyện vọng cho con em đi du học, tìm kiếm học bổng du học nên tìm đến các công ty được Sở Giáo dục và Đào tạo tại các tỉnh/thành phố cấp phép hoạt động, công ty có trụ sở riêng đặt lâu dài tại một địa chỉ cố định, có đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm và tâm huyết, người đứng đầu đơn vị có đầy đủ bằng cấp, chuyên môn, kinh nghiệm để dẫn dắt, định hướng giúp học sinh và gia đình học sinh ở Việt Nam trong suốt thời gian du học, là cầu nối vững chắc giữa phụ huynh, học sinh và Nhà trường.

BÀI VIẾT HỮU ÍCH: DU HỌC MỸ VÀ DANH SÁCH 16.568 TRƯỜNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN

Văn phòng ảo, văn phòng chia sẻ trong các toà nhà

Bản chất của việc thuê văn phòng làm việc trong các toà nhà không nói lên những tiêu cực. Tuy nhiên, theo khảo sát, phần lớn những công ty có quy mô nhỏ, công ty mới thành lập, văn phòng đại diện hoặc những công ty chưa có đầy đủ giấy phép*, “công ty ma”, công ty không hoạt động trong lĩnh vực giáo dục/tư vấn du học nhưng hoạt động tư vấn du học trá hình, biến tướng lừa đảo thường thuê trong các toà nhà cao ốc văn phòng với diện tích phòng siêu nhỏ, thậm chí không có văn phòng (còn gọi là văn phỏng “ảo”, chỉ thuê địa chỉ nhận thư tín) hoặc chỉ có một bàn làm việc chia sẻ trong một phòng nhỏ cùng nhiều công ty khác.

Khi có khách hàng liên hệ hoặc đến hỏi tư vấn, thông thường họ sẽ tiếp khách tại sảnh chung của toà nhà, hoặc thuê phòng họp theo giờ tại chính toà nhà đó. Việc chấm dứt hợp đồng thuê văn phòng một cách quá dễ dàng cũng là một yếu tố đáng lo ngại khi chúng ta không chỉ đối diện với nguy cơ mất tiền, mà còn có thể đánh mất cả tương lai của một con người khi gửi gắm con em cho những đơn vị chưa được kiểm chứng về độ tín nhiệm và năng lực chuyên môn, không những vậy còn “nay đây … mai đó”.

* Giấy phép chúng tôi đề cập không được hiểu là giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh/Thành phố cấp (vì giấy phép đăng ký kinh doanh không có bất kỳ yêu cầu nào về bằng cấp, chuyên môn của người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở vật chất, trang thiết bị…). Quý phụ huynh học sinh tìm hiểu tại Điều 108 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có thủ tục để tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, quy định rõ về trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, văn bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học của người đứng đầu và nhân viên tư vấn du học trực thuộc đơn vị.

Trường học ở nước ngoài “bốc hơi”, chỉ tồn tại trên giấy

Ngày 13/04/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 1457/BGDĐT-HTQT về việc kiểm tra, xử lý việc hợp tác với một trường quốc tế “ma” hoạt động tại Việt Nam khi xuất hiện nhiều dấu hiệu sai phạm, gian dối, giả mạo. Chủ trường – Ông P. cho biết trong khi đang tiến hành xây dựng, ông vẫn cho phép ba đơn vị khác thuê và sử dụng mảnh đất. Khác với thực tế, trên trang thông tin điện tử chính thức của Sở Xây dựng Hạt San Bernadino tại địa chỉ cms.sbcounty.gov, tra cứu từ ngày 01/01/2010 đến 13/04/2018, hoàn toàn không có tên dự án xây dựng của trường học nào là G. School trong danh sách bất động sản được cấp phép như ông P. đã gian dối, chủ ý lừa gạt, trình công văn, giấy tờ giả mạo đến nhiều trường học ở Việt Nam trong suốt sáu năm liền.

Theo thông tin từ Công ty U.S Realty Records – Công ty cung cấp hồ sơ bất động sản tại tiểu bang California Hoa Kỳ, cả G. School và người sáng lập là ông P. đều không phải chủ sở hữu bất động sản tại địa chỉ này. Theo hồ sơ, đây là bất động sản được sở hữu bởi Công ty TNHH Trung tâm Giáo dục và Biểu diễn Nghệ thuật California (California Education and Performing Arts Center), đóng trụ sở tại địa chỉ 17700 Castleton Street, Suite 378, City of Industry, California 91748. Công ty này vẫn đang hoạt động cho đến thời điểm hiện tại.

Để tránh nhập học phải trường “ma”, trường không được cấp phép hoặc không được chứng nhận bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tại Hoa Kỳ, quý phụ huynh và các em học sinh nên tra cứu thông tin trường học trên trang thông tin điện tử của Cục An ninh Nội địa Mỹ – Cơ quan quản lý danh sách các trường được cấp phép tuyển sinh học sinh quốc tế tại Mỹ diện thị thực F-1 và M-1. Mỗi tiểu bang duy trì danh sách các trường học từ mẫu giáo đến lớp 12 và công khai trên trang thông tin điện tử này. Quý phụ huynh cần giúp đỡ tra cứu thông tin, kiểm tra giấy phép hoạt động và lịch sử hình thành của các trường học nước ngoài có thể liên hệ Ban Cố vấn Học thuật Tập đoàn Việt Nam Hiếu Học để được trợ giúp và hướng dẫn.

Nếu phát hiện bản thân bị lừa, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên cần đến cơ quan công an để tố giác tội phạm. Pháp luật hiện hành xử lý rất nghiêm hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, dùng thủ đoạn gian dối như đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội, người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

hashtag: #việt_nam_hiếu_học_cảnh_báo_lừa_đảo_du_học