KHỞI ĐẦU CHO HÀNH TRÌNH TRỞ THÀNH BÁC SĨ TƯƠNG LAI

Nha sĩ, bác sĩ tâm lý, bác sĩ vật lý trị liệu… là một số ngành nghề mong muốn trong tương lai của nhiều học sinh cũng như phụ huynh nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và cũng chưa có nhiều thông tin về ngành học cũng như lộ trình học ra sao. Dưới đây là thông tin về những ngành học tiền y khoa để phụ huynh và học sinh tham khảo cũng như có cái nhìn tổng quan về chương trình học tại Mỹ.

Các chương trình học tiền y khoa tại đại học Mỹ giảng dạy các kiến thức cơ bản về y khoa cũng như tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm thực tế tại các cơ sở khám bệnh và bệnh viện nhằm giúp sinh viên có cài nhìn trực quan hơn về chuyên ngành mình đang học. Sau khi tốt nghiệp chương trình tiền y khoa sinh viên sẽ được lựa chọn chuyển tiếp lên chuyên ngành thế mạnh của mình tại các trường đại học y khoa để tiếp tục học chuyên sâu và thực tập để trở thành bác sĩ hoặc chuyên viên chăm sóc sức khoẻ tay nghề cao trong tương lai.

Sau khi nhập học chương trình tiền y khoa tại Mỹ, sinh viên sẽ được làm việc trực tiếp với các cố vấn học thuật của chương trình nhằm nắm rõ tâm tư nguyện vọng cũng như khả năng học tập của sinh viên để giúp đỡ sinh viên lựa chọn môn học phù hợp và định hướng chuyên ngành y khoa tương lai cho sinh viên.

Tại Mỹ các chương trình tiền y khoa rất đa dạng, linh hoạt và có thể tùy chỉnh để phù hợp với khả năng của từng sinh viên. Dưới đây là một vài chương trình tiền y khoa tiêu biểu :

1.Tiền Y Khoa chuyên ngành Xương Khớp – Thần Kinh 

Các bác sĩ thuộc chuyên ngành trên sử dụng các phương pháp trị liệu không phẫu thuật như sóng siêu âm, nhiệt độ, x-quang, mát-xa để điều trị cho các bệnh nhân có vấn đề về cơ ,xương khớp cũng như cột sống.

Điều kiện để được nhận bằng bác sĩ chuyên ngành xương khớp thần kinh :

a/Tốt nghiệp tại trường đại học được công nhận bởi hiệp hội giáo dục của chuyên ngành

b/Có bằng cử nhân chuyên khoa tại trường Đại Học

c/Hoàn thành khóa học liên quan tới việc quản lý trong khám chữa bệnh.

Ngoài những điều kiện trên sinh viên sau khi tốt nghiệp còn phải tham dự 2 kì thi do Hiệp Hội Thần Kinh Xương Khớp Quốc Gia và của tiểu bang tương ứng nơi học sinh theo học để được cấp chứng chỉ hành nghề. Sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề sinh viên cần học thêm một vài khóa học bắt  buộc cũng như tuân thủ theo quy định hành nghề nhằm duy trì hiệu lực của chứng chỉ hành nghề đã được cấp.

2.Tiền y khoa chuyên ngành Nha Khoa

Nha khoa là một trong những chuyên ngành đào tạo hàng đầu tại Mỹ.  Một bác sĩ nha khoa chuyên nghiệp sẽ có lựa chọn học chuyên sâu về 1 trong 9 chuyên ngành được hiệp hội nha khoa Mỹ công nhận.Để được công nhận và cấp giấy phép hành nghề, sinh viên nha khoa phải hoàn thành khóa học kéo dài 4 năm và hơn tại một trường nha khoa được hiệp hội nha khoa Mỹ công nhận (trước đó phải trải qua 4 năm tiền nha khoa tại một trường đại học khác) và trải qua kì thi chứng chỉ hành nghề nha khoa. Ngoài ra tuỳ theo bang mà sinh viên phải tham gia thi thêm kì thi quản lý phòng khám và một kì thi đặc biệt dành cho chuyên ngành của mình.

3.Tiền Y Khoa chuyên ngành Bác Sĩ Đa Khoa

Bác sĩ chuyên khoa luôn là chuyên ngành được quan tâm hàng đầu tại Mỹ với 2 nhánh riêng biệt là Doctor of Medicine (M.D) và  Doctor of Osteopathic Medicine (D.O). Cả hai nhánh đều được phép khám chữa bệnh và cấp thuốc cho bệnh nhân nhưng nhánh (D.O) thiên về các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc mà thiên về các biện pháp vật lý tác động vào cơ thể hơn.

Điều kiện để được nhận vào học tại các trường Y Khoa tại Mỹ:

a/Học khoá tiền y khoa ít nhất 3 năm tại các trường đại học được chứng nhận.

b/Bắt buộc hoàn thành các khoá học toán và khoa học liên quan tới y khoa.

c/Đậu kì thi MCAT ( Medical College Admission Test)

Ngoài những điều kiện trên , sinh viên còn phải trải qua nhiều kỳ thi của hiệp hội y khoa quốc gia của Mỹ.Sinh viên còn phải trải qua kì thực tập bác sĩ nội trú kéo dài từ 3 tới 7 năm tuỳ theo chuyên ngành mà sinh viên theo học.Sau khi tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ trở thành bác sĩ, các sinh viên vẫn phải tiếp tục học tập thêm các khóa đào tạo, tham gia các hội thảo y khoa nhằm đảm bảo mình luôn được cập nhật với các thay đổi mới của nền y khoa.

Bài viết hữu ích8 TUYỆT CHIÊU ĐƠN GIẢN ĐỂ SẴN SÀNG DU HỌC MỸ

4.Tiền y khoa chương trình Nhãn Khoa

Nhãn khoa là ngành chuyên điều trị các bệnh về mắt cũng như cấp thuốc và phẫu thuật nếu cần thiết với các bệnh nhân có vấn đề nguy cấp.Các bác sĩ về mắt thường sẽ lựa chọn tự mở phòng khám riêng hoặc làm tại các bệnh viện chuyên khoa, cộng đồng và có một vài trường hợp đặc biệt gia nhập làm Quân Y.

Điều kiện để được nhận vào học tại các trường Nhãn Khoa tại Mỹ :

a/Hoàn thành bằng Cử Nhân tại 1 trường đại học được công nhận.

b/Đậu kỳ thi Nhãn Khoa

Sinh viên thỏa các điều kiện trên sẽ tiếp tục theo học chuyên ngành trên tại trường y khoa.Ngoài ra tuỳ theo điều kiện của bang sinh viên còn phải hoàn thành kì thi cấp giấy chứng nhận hành nghề của tiểu bang và bằng tốt nghiệp phải có sự công nhận của Hiệp Hội Nhãn Khoa Mỹ.

5.Tiền y khoa chương trình Hoạt Động Trị Liệu

Trách nhiệm chính của bác sĩ hoạt động trị liệu là hướng dẫn và hỗ trợ các bệnh nhân vừa trải qua các cuộc phẫu thuật vì gặp vấn đề chấn thương , bệnh tật hoặc các bệnh nhân gặp vấn đề về sang chấn tâm lý.  Thông qua các bài tập trị liệu các bác sĩ giúp bệnh nhân dần dần hồi phục các chức năng cơ bản để trở lại cuộc sống bình thường.

Với các bác sĩ thuộc chuyên ngành hoạt động trị liệu nêu trên bắt buộc phải hoàn thành khóa tiền hoạt trị liệu sau đó nhập học vào trường y khoa chuyên ngành này. Sau khi tốt nghiệp và có bằng cử nhân vật lý trị liệu, các sinh viên sẽ tiếp tục trải qua kì thi GRE (Graduate Record Examinations) nhằm tiếp tục học lên thạc sĩ cùng chuyên ngành và trong quá trình học sẽ có 6 tháng thực tập được giám sát tại một phòng khám trước khi sinh viên tốt nghiệp. Ngoài ra sinh viên còn phải tham gia kì thi của hiệp hội trị liệu Mỹ cũng như hội đồng hoạt động trị liệu của bang mà học sinh đang theo học để được cấp chứng chỉ hành nghề chính thức.

6.Tiền y khoa chương trình Dược Học

Dược sĩ ngày nay đóng vai trò lớn trong quá trình hồi phục sức khỏe cũng như hỗ trợ các y bác sĩ trong quá trình khám chữa bệnh cho các bệnh nhân. Với đặc thù ngành nghề theo học, các dược sĩ luôn là người đầu tiên mà các bệnh nhân tìm đến khi có vấn đề về sức khoẻ và cũng gần như là người cuối cùng mà bệnh nhân tìm đến để được cung cấp thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ. Vì đóng vai trò quan trọng trong quá trình hỗ trợ điều trị của bệnh nhân, ngành dược sĩ yêu cầu các sinh viên sau khi tốt nghiệp phải có kỹ năng giao tiếp tốt để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân để nhằm trao đổi lại với bác sĩ điều trị.Ngoài ra vì mỗi đơn thuốc điều trị được cấp bởi bác sĩ có yêu cầu khác nhau cho mỗi loại thuốc nên đòi hỏi các dược sĩ phải nắm được dược lý cũng như cách sử dụng của các loại thuốc được kê đơn nêu trên để hướng dẫn cho bệnh nhân một cách kĩ càng nhằm tránh xảy ra sai sót trong khi sử dụng.

Để chính thức nhập học vào chuyên ngành Dược sĩ các sinh viên được yêu cầu phải hoàn thành ít nhất 2 năm các khóa tiền y khoa và tham gia kì thi Pharmacy College Admission Test để được chính thức nhận vào học khoa Dược học tại các trường đại học y khoa. Các sinh viên sau đó tiếp tục học trong khoảng thời gian 4 năm và sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận hành nghề tại tiểu bang mà sinh viên theo học. Không giống như các ngành học y khoa khác yêu cầu các sinh viên phải đi thực tập tại các phòng khám hay bệnh viện, sinh viên tốt nghiệp ngành Dược có thể đi làm ngay sau khi tốt nghiệp.

7.Tiền Y Khoa – Chuyên ngành Phụ Tá Bác Sĩ

Thường các phòng khám hoặc bệnh viện các bác sĩ thường có các phụ tá hỗ trợ bác sĩ trong việc khám chữa bệnh. Các phụ tá sẽ đảm nhận các trách nhiệm như : kiểm tra hồ sơ khám bệnh, khám sơ bệnh nhân, hỗ trợ phẫu thuật, yêu cầu xét nghiệm,chẩn đoán sơ bộ tình hình bệnh nhân…

Các sinh viên muốn trở thành phụ tá bác sĩ cần phải hoàn thành 4 năm tiền y khoa đầu tiên tại các trường đại học được chấp thuận. Sau khi nhận bằng cử nhân các sinh viên sẽ tham gia kì thi GRE (Graduate Record Examination) để tiếp tục nhập học vào bậc thạc sĩ tại các đại học y khoa. Quá trình học thạc sĩ thường kéo dài 26 tháng với các khoá học về giải phẫu, dược học, chẩn đoán…

Sinh viên trong quá trình học sẽ đi thực tập tại các cơ sở y tế tại nhiều chuyên khoa khác nhau để hiểu rõ về quá trình thăm khám điều trị bệnh nhân cũng như để tích lũy kinh nghiệm. Sau khi hoàn thành những điều kiện kể trên sinh viên sẽ được tốt nghiệp và tiến tới quá trình xin chứng chỉ hành nghề. Tuỳ theo tiểu bang sẽ có các quy định khác nhau nhưng phần lớn sẽ yêu cầu sinh viên tham gia kì thi Physician Assistant National Certifying Examination (PANCE) để được cấp chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra cứ 10 năm các phụ tá bác sĩ sẽ thi lại kỳ thi PANRE (Physician Assistant National Recertifying Exam) để gia hạn giấy phép hành nghề và cứ 2 năm một lần các phụ tá sẽ phải đi học 100 giờ khoá học CME (Continuing Medical Education) để cập nhật kiến thức cho bản thân.

8.Tiền y khoa chương trình Vật Lý Trị Liệu Phục Hồi Chức Năng

Vật Lý Trị Liệu-Phục Hồi Chức Năng luôn là ngành mà hiện nay cần nguồn nhân lực do số lượng sinh viên theo học ngành này không nhiều vì chương trình học kéo dài. Ngoài ra số lượng bác sĩ vật lý trị liệu có chuyên môn tại các bệnh viện cũng đang khan hiếm do phần lớn các bác sĩ đến tuổi nghỉ hưu nhưng không có các bác sĩ cũng chuyên ngành thay thế.

Trách nhiệm chính của các bác sĩ thuộc chuyên ngành này giúp đỡ các bệnh nhân phục hồi chức năng vật lý của các bộ phận như tay, chân, cổ… từng bị tổn thương vì gặp tai nạn hoặc bệnh tật. Quá trình phục hồi thường là giúp bệnh nhân vượt qua sự đau đớn, hồi phục sức khoẻ và giúp bệnh nhân học cách đưa các chức năng vận động cơ bản về trạng thái ban đầu trước tổn thương.

Để được trở thành bác sĩ chuyên ngành này các sinh viên phải hoàn thành 6 năm học về chuyên ngành này bao gồm 3 năm tiền Vật Lý Trị Liệu-Phục Hồi Chức Năng và 3 năm cao học Doctor of Physical Therapy. Sau khi hoàn thành quá trình học sinh viên sẽ tham gia vào kì thi của Hiệp Hội Trị Liệu của bang tương ứng mà mình theo học đại học tại đó để chính thức được cấp chứng chỉ hành nghề.

9.Tiền y khoa chương trình bác sĩ Thú Y

Ngoài các ngành y khoa thường gặp thì bác sĩ thú y cũng là một lựa chọn mà nhiều sinh viên theo đuổi. Công việc của bác sĩ thú y thường không đơn giản như nhiều người nghĩ. Trách nhiệm của họ bao gồm chữa bệnh cho động vật, hạn chế và ngăn chặn việc truyền nhiễm các bệnh từ người sang vật nuôi, hướng dẫn chủ của vật nuôi về cách chăm sóc cũng như phổ qui định về vật nuôi của tiểu bang tương ứng tới các gia đình có vật nuôi. Ngoài những công việc cơ bản nêu trên, các bác sĩ thú y còn góp phần vào việc gìn giữ và bảo tồn các loài động vật trong tự nhiên thông qua việc nghiên cứu về gene, thức ăn cho động vật và thuốc chữa bệnh cho các động vật.

Điều kiện để trở thành bác sĩ thú y là các sinh viên đầu tiên phải có bằng cử nhân với ít nhất là 2 năm học về các khóa tiền thú y để tiếp tục nhập học bậc đại học. Sau đó sinh viên phải tham gia kì thi GRE (Graduate Record Examinations) và nộp hồ sơ vào các trường y khoa có chuyên ngành thú y. Với tỉ lệ cạnh tranh cao nên các trường sẽ ưu tiên các ứng viên đã có kinh nghiệm chăm sóc và làm việc với các vật nuôi để xét duyệt hồ sơ nhập học. Trong quá trình học tập tại các trường y khoa học viên sẽ được luân chuyển tới khác phòng khám thú y để tích lũy kinh nghiệm cũng như học tập từ các bác sĩ thú y đã có kinh nghiệm. Sau khi kết thúc khoá học, sinh viên sẽ tham gia kì thi của North American Licensing Exam để được cấp chứng chỉ hành nghề và sinh viên cũng phải thi kỳ thi yêu cầu của tiểu bang nơi sẽ hành nghề để được chính thức làm việc.

Trên đây là những chuyên ngành y khoa tại Mỹ để học sinh và phụ huynh tham khảo cũng như có sự lựa chọn cân nhắc trước khi du học tại Mỹ.

ĐỌC THÊM: GMAT & GRE – BÀI THI NÀO PHÙ HỢP