Aerospace Engineering (Kỹ thuật hàng không) là ngành học liên quan đến việc nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ của máy bay. Trong những năm gần đây, du học Kỹ thuật Hàng không tại Mỹ đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ quốc tế bởi vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực hàng không và các cơ hội cùng mức lương cực kì hấp dẫn do ngành này mang lại.
I. Ngành Kỹ thuật Hàng không – Aerospace Engineering là gì?
Kỹ thuật Hàng không (Aerospace Engineering) được định nghĩa là ngành đào tạo cách thức để thiết kế, chế tạo và sửa chữa những loại máy móc, thiết bị như máy bay và tàu vũ trụ. Ngành này được chia thành 2 nhánh lớn là Kỹ thuật hàng không dân dụng và Kỹ thuật hàng không vũ trụ.
Trong đó, Kỹ thuật hàng không dân dụng có nhiệm vụ thiết kế và tạo ra các loại máy bay để sử dụng trong phạm vi bầu khí quyển của trái đất. Ngược lại, Kỹ thuật hàng không vũ trụ lại tập trung nghiên cứu và phát triển các loại tàu du hành hoặc vệ tinh để sử dụng bên ngoài phạm vi khí quyển.
Đối với ngành Kỹ thuật hàng không, hệ Cử nhân sẽ được đào tạo trong vòng ba hoặc bốn năm. Đối với một số trường Đại học nhất định, họ còn cho phép sinh viên sau khi tốt nghiệp Cử nhân có thể chuyển tiếp thẳng lên Thạc sĩ.
II. Chương trình học:
Tương tự như với các ngành Kỹ thuật khác, trong năm nhất và năm hai của ngành Kỹ thuật Hàng không, sinh viên sẽ phải học những môn đại cương về Toán, Vật lý, Điện Cơ,… Có thể kể các môn như khí động lực học đại cương (Introduction to Aerodynamics), phân tích kết cấu đại cương (Introduction to Structural Analysis), các môn học liên quan đến động lực học, kết cấu – vật liệu, thiết kế – điều kiển máy bay, cơ học lưu chất (Fluid Mechanic), cơ học vật rắn, viễn thông và nhiệt động lực học (Thermodynamics).
Các chuyên ngành phổ biến:
Sau khi được học tổng quan, sinh viên sẽ được chọn một chuyên ngành. Sau đây là một vài chuyên ngành phổ biến:
– Khí động lực học: Học sâu về mối quan hệ giữa vật thể và môi trường, cụ thể hơn là khi được gắn động cơ thì vật thể sẽ chuyển động như thế nào trong từng môi trường cụ thể.
– Khí co dãn học (Aeroelasticity): Học về sự ảnh hưởng của lực quán tính, kết cấu/ độ co dãn và khí động lực lên các mẫu máy bay, cao ốc và bề mặt của một vật nói chung.
– Phân tích vật liệu tổng hợp (Composite analysis): Học kĩ hơn về việc phân tích và sử dụng các loại vật liệu tổng hợp có độ bền cao cho từng bộ phận trong máy bay. Mục đích của chuyên ngành ngày là để tạo ra máy bay có khối lượng nhẹ nhưng vẫn đảm bảo kết cấu của nó phải chắc chắn và vững mạnh.
– Điện tử hàng không (Avionics): Học nâng cao về hệ thống điện và bảng điều khiển trên máy bay, vệ tinh nhân tạo hoặc tàu du hành vũ trụ. Một số bộ phận có thể kể đến như: các thiết bị định hướng, hệ thống tự lái, máy quét ra-đa, hệ thống liên lạc và lưu thông trên không, hộp đen, hệ thống dự báo thời tiết,…
– Hệ thống đẩy (Propulsion): Học thêm về cơ chuyển động, nhiệt động lực học, ga động lực học và sức bền của vật liệu. Bạn sẽ sử dụng những kiến thức này để điều chỉnh thiết kế và động cơ để máy bay có thể bay được với một lượng nhiên liệu nhất định.
III. Cơ hội nghề nghiệp:
Tốt nghiệp Aerospace Engineering, sinh viên sẽ trở thành kỹ sư hàng không. Công việc của kỹ sư hàng không là nghiên cứu, thiết kế, phát triển, chế tạo, thử nghiệm, bảo dưỡng máy bay, hệ thống và công nghệ liên quan.
– Kỹ sư hàng không:
Với vị trí này, sinh viên sẽ sử dụng các nguyên lý khoa học, công nghệ và toán học để nghiên cứu, thiết kế, phát triển, bảo dưỡng và kiểm tra các loại máy bay dân dụng, máy bay quân sự, vệ tinh và thậm chí là cả tàu du hành vũ trụ.
– Chuyên viên nghiên cứu hàng không:
Nhiệm vụ chính của công việc này là nghiên cứu để tìm ra những công nghệ, vật liệu, hệ thống hoặc thiết bị mới để phục vụ cho ngành hàng không.
– Chuyên viên thiết kế hàng không:
Những người làm công việc này thường giữ nhiệm vụ thiết kế các bộ phận hoặc hệ thống của máy bay cho các công ty chuyên sản xuất các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực hàng không.
– Chuyên viên bảo dưỡng:
Trách nhiệm của người làm công việc này là kiểm tra và bảo dưỡng toàn bộ máy bay để đảm bảo tất cả mọi thứ đều có thể hoạt động tốt một cách trơn tru.
III. Triển vọng và mức lương ngành Aerospace Engineering:
Theo thống kê của tổ chức MROs, nhu cầu nhân viên bảo trì của các hãng bay luôn ở mức cao, dự kiến số lượng trên toàn thế giới sẽ cần đến 754.000 người. Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS), ngành công nghiệp hàng không toàn cầu sẽ sản xuất thêm 36.620 máy bay mới vào năm 2035, đồng nghĩa với nhu cầu nhân lực có trình độ và chuyên môn cho thị trường này sẽ tăng ở tất cả các nước .
Cơ hội việc làm ngành Kỹ thuật Hàng không tại Việt Nam cũng rất lớn dành cho du học sinh. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu trong một thập kỷ trở lại đây với sự tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4%, cao hơn 2 lần so với mức 7,9% của toàn châu Á.
Vì là ngành đặc thù, lại khan hiếm nguồn nhân lực nên nhiều vị trí trong ngành hàng không được trả lương cực kì cao. Tại Mỹ, mức lương trung bình của ngành Kỹ thuật Hàng không lên đến hơn 70,000 USD/năm.
Tại Việt Nam, đối với bảo dưỡng máy bay ở một số công ty chuyên dịch vụ bảo dưỡng, mức lương dành cho những vị trí công việc này trung bình khoảng 27 triệu đồng/tháng. Thậm chí, nhiều công ty liên kết với các đối tác nước ngoài, mức thu nhập của nhóm bảo dưỡng máy bay có thể lên tới gần 250 triệu đồng/tháng.
IV. Lý do nên học Kỹ thuật Hàng không tại Mỹ?
Với sự phát triển của lĩnh vực Hàng không cùng sự “khát” nhân lực, các quốc gia đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không ngày càng nhiều. Các công việc trong lĩnh vực này đòi hỏi bằng cấp và kiến thức chuyên môn cao.
Mỹ là lựa chọn hàng đầu của sinh viên quốc tế học ngành Kỹ thuật Hàng không vì:
– Tỉ lệ có việc sau khi tốt nghiệp rất cao với nhiều lựa chọn nghề nghiệp.
– Mức lương hấp dẫn – thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung các ngành nghề tại Mỹ.
– Tăng cường kiến thức và kỹ năng thực tiễn về động lực học, cơ khí hàng không, cơ khí về chuyển động quỹ đạo, chất lỏng, vật liệu, cấu trúc, chỉ dẫn và điều khiển, tính toán.
– Bằng cấp của các trường Mỹ được thế giới công nhận. Việc sở hữu bằng tốt nghiệp do trường đại học Mỹ cấp sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng hoặc ban xét tuyển học bổng không chỉ ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.
Việt Nam Hiếu Học
ĐỌC THÊM: 10 CHUYÊN NGÀNH ĐẠI HỌC CÓ MỨC LƯƠNG KHỞI ĐIỂM CAO NHẤT