LÀM THẾ NÀO ĐẠT ĐIỂM CAO TRONG KỲ THI SAT?

1. PHẦN THI ĐỌC HIỂU

Học càng nhiều từ mới càng tốt

Cách hiệu quả nhất để học từ mới là học theo “flash cards”. Bạn có thể làm “flash cards” theo “word list”, hoặc tự lên danh sách các từ mà mình chưa thuộc để học. Nên tranh thủ học từ mới ở mọi lúc, mọi nơi, vì “flash cards” rất nhỏ và gọn nhẹ, có thể thường xuyên mang theo người.
Một cách hiệu quả khác để học từ mới là học theo ngữ cảnh và học theo gốc của từ. Học theo ngữ cảnh giúp bạn dễ hình dung nghĩa của từ, tránh tình trạng học vẹt. Học theo gốc giúp bạn đoán nghĩa hoặc sắc thái nghĩa của từ.

Luyện đọc sách, báo, tạp chí, bài viết…bằng tiếng Anh.

Vì đoạn văn trong phần đọc hiểu có nội dung rất đa dạng, bao gồm nhiều lĩnh vực, việc đọc các tài liệu trong mọi lĩnh vực sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho phần này. Đọc nhiều giúp bạn quen với các từ dùng trong từng lĩnh vực, cách vận dụng từ trong câu, các cấu trúc câu thường gặp…

Để ý đến ngữ cảnh

Đối với câu hỏi hoàn thành câu: cần để ý kĩ đến ngữ cảnh. Trước khi đọc các đáp án, thử tự hình dung xem từ cần điền vào chỗ trống là từ như thế nào: có nghĩa tích cực hay tiêu cực…, tự điền đáp án của bản thân bạn (nếu có thể), rồi đem so sánh đáp án của bạn với đáp án đã cho, đồng thời loại bỏ các đáp án không thích hợp. Sau khi đã chọn được đáp án, thử điền từ đó vào câu và đọc cả câu xem lựa chọn của bạn đã hợp lý chưa.

Xác định chủ đề, ý chính, luận điểm, giọng điệu…

Đối với câu hỏi đọc hiểu đoạn văn, nên tranh thủ xác định chủ đề, ý chính, luận điểm, giọng điệu…của đoạn văn trong khi đọc. Để ý đến những từ, cụm từ, câu có vai trò quan trọng trong đoạn. Đây là phần mà hầu hết học sinh Việt Nam đều rất sợ, không chỉ vì độ phức lạp, lòng vòng, nhiều từ mới mà còn bởi độ dài và “buồn ngủ”. Tuy nhiên, phần điền từ có lẽ sẽ là khá dễ dàng với những bạn nào chăm chỉ học từ mới. Mỗi ngày bạn cố gắng học khoảng 20 từ, chú ý là nhớ theo nghĩa tiếng Anh và nhớ cả những từ đồng nghĩa và trái nghĩa nữa. Điều này rất quan trọng!

Đọc câu hỏi trước rồi mới quay lại đọc bài đọc

Với phần đọc và trả lời câu hỏi, trong các bài đọc ngắn, các bạn nên đọc câu hỏi trước rồi mới quay lại đọc bài đọc. Cách này giúp bạn rút ngắn nhiều thời gian do đã biết trước mục tiêu cần trả lời. Trong các bài đọc dài, với những câu đòi hỏi bạn phải nhìn bao quát một bức tranh toàn cảnh, thì hãy để xuống cuối cùng đã; còn với những câu khác, bạn hãy vẫn đọc trước từng câu một, đọc câu nào thì quay ngay ra bài đọc để tìm thông tin trả lời, xong rồi mới tiếp đến câu khác.

Nhớ rằng các câu hỏi này cũng được sắp xếp theo trình tự, thế nên cố gắng trả lời theo trình tự đó nhé. Một lưu ý khác với các bạn thường xuyên luyện tập đó là các câu hỏi hầu như đều theo những khuôn mẫu có sẵn, vì vậy luyện tập thường xuyên giúp bạn ghi nhớ một cách dễ dàng.

2. VIẾT

Luyện tập viết càng nhiều càng tốt 

Bài luận văn: Luyện tập viết càng nhiều càng tốt. Có thể viết về mọi lĩnh vực. Nên có một quyển “Nhật ký”, mỗi ngày bạn có thể viết một ít trong đó, có thể chỉ là viết về những việc trong cuộc sống hàng ngày, không nhất thiết phải viết về những vấn đề to tát. Mục đích chính của việc này là để bạn làm quen với việc tư duy trong tiếng Anh. Viết càng nhiều, bạn sẽ càng quen, sẽ có thể diễn đạt ý trôi chảy hơn và tốn ít thời gian hơn. Song song với việc đó là tập viết luận văn theo đề SAT. Thời gian đầu có thể không cần tính thời gian, điều cốt yếu là viết cho trau chuốt, viết hết khả năng của bạn. Sau khi đã quen với kiểu viết của SAT, bắt đầu tính thời gian như khi thi thật.

Chú ý đến cách dùng của các dấu câu

Đối với các câu hỏi trắc nghiệm: ngoài các vấn đề ngữ pháp, bạn cũng nên chú ý đến cách dùng của các dấu câu như dấu phẩy, dấu chấm phẩy, dấu hai chấm…, vì có nhiều khi lỗi sai của câu nằm ở chính những dấu câu này…

Cố gắng nhớ kĩ các dạng cấu trúc và các từ đặc biệt không có trong các sách ngữ pháp thông thường 

Trong phần câu hỏi trắc nghiệm, có nhiều bạn cho rằng mình nắm rất vững ngữ pháp cơ bản, vậy mà đến lúc làm bài vẫn cảm thấy lúng túng, do đó sai khá nhiều lỗi. Lời khuyên cho các bạn là chúng ta phải luyện tập nhiều hơn phần này, có thể 1 tuần bạn hãy luyện khoảng 2-3 phần của dạng. Sau đó dành thời gian để xem lại, cố gắng nhớ kĩ các dạng cấu trúc và các từ đặc biệt không có trong các sách ngữ pháp thông thường.

Viết nhật kí bằng tiếng Anh mỗi ngày 

Trong phần viết luận, tốt nhất các bạn nên xây dựng nền tảng từ từ 6 tháng trước, bằng cách luyện viết nhật kí bằng tiếng Anh mỗi ngày (có thể viết về bất cứ câu chuyện nào bạn gặp trong ngày, cố gắng diễn đạt bằng tiếng Anh, điều này giúp ích cho quá trình viết các bài luận gửi cho trường sau này nữa đấy).

Bạn nên xây dựng cho mình một vài mẫu viết trước

Tức là bạn luyện viết nhiều đề nhưng chỉ theo một mẫu định sẵn thôi. Một bài luận để đạt điểm tối đa thì ngoài các yếu tố mạch lạc, từ ngữ sử dụng chuẩn, đa dạng, cần phải có bố cục hợp lí (thường gồm 5 đoạn), và quan trọng nhất là phải kín 2 mặt giấy. Kinh nghiệm là khi bạn cố gắng viết kín 2 mặt giấy, cho dù bài viết có thể chưa hay, nhưng 90% bạn sẽ đạt 10/12 điểm, vậy nên, việc luyện viết nhanh cũng rất quan trọng nữa đấy.

3. TOÁN

Ôn lại các kiến thức toán đã học ở cấp III. Bài thi SAT không khó, nhưng kiểm tra một mảng kiến thức rất rộng, nên bạn cần ôn hết, không bỏ sót phần nào. Chú ý các dạng toán mà Việt Nam ít gặp như toán xác suất, đọc biểu đồ, toán logic…