NHÓM NGÀNH TRỤ CỘT CỦA NỀN KINH TẾ MỸ: STEM

Tổng thống Obama từng phát biểu : “Trong một thị trường toàn cầu, chúng ta cần những tài năng và cần thu hút những tài năng ấy ở lại phát triển sự nghiệp. Điều đó không chỉ có lợi cho bản thân họ mà còn đóng góp cho sự phát triển của toàn nước Mỹ”.

Hoa Kỳ từ lâu đã nổi tiếng với chiến lược phát triển kinh tế dựa trên nguồn nhân lực nước ngoài. Cho nên với nhóm ngành STEM – nhóm ngành được xem là trụ cột của nền kinh tế Mỹ, chính phủ nước sở tại đang dành nhiều chính sách ưu tiên để thu hút sinh viên quốc tế.

Thuật ngữ “nhóm ngành STEM” có lẽ còn rất mới lạ và chưa thực sự thu hút với nhiều bạn trẻ tuy nhiên đây lại là nhóm ngành đã thu hút hơn 400,000 sinh viên quốc tế theo học ở Mỹ. Trong đó 80% là sự lựa chọn của sinh viên châu Á điều đã khẳng định được “Sức hút mạnh mẽ” của STEM, và con số này vẫn không ngừng gia tăng qua các năm.

VẬY STEM LÀ GÌ?

Tập đoàn Việt Nam Hiếu Học sẽ giúp các bạn có một cái nhìn toàn diện về thuật ngữ STEM và những ứng dụng tuyệt vời của nhóm ngành này trong tương lai!

STEM là tên viết tắt của Science – Khoa học, Technology – Công nghệ, Engineering – Kỹ thuật và Mathematics – Toán học.

– Khoa học (Science): bao gồm những lĩnh vực cốt lõi mà khoa học yêu cầu như Vật lý, Hóa học, Sinh học, và các lĩnh vực liên quan áp dụng những nguyên lý đó như Môi trường, Thực phẩm hoặc Nguyên vật liệu…

– Công nghệ (Techonology): Bao gồm những chương trình tập trung nghiên cứu về khoa học ứng dụng và nguyên lý công nghệ đối với sự phát triển của quá trình, công nghệ mới cho ngành sản xuất sản phẩm mới, ưu việt hơn.

– Kỹ thuật (Engineering): Các ngành nghề ứng dụng các nguyên lý toán học và khoa học vào việc giải quyết các vấn đề thực tế, và những kỹ năng kỹ thuật để phát triển các dự án liên quan.

– Toán học và Khoa học máy tính (Mathematics and Computer Science): bao gồm toán nguyên lý, toán ứng dụng và thống kê, cũng như những lĩnh vực con của những nguyên lý khác nhau với một trình độ cao, sự phát triển của kỹ thuật máy tính, hoặc cả hai.

Hiệp hội các giáo viên dạy khoa học quốc gia Mỹ – National Science Teachers Association – NSTA đã đề xuất ra khái niệm giáo dục STEM (STEM education) với cách định nghĩa ban đầu như sau: “Giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực, ở đó các học sinh áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán vào trong các bối cảnh cụ thể, giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu, để từ đó phát triển các năng lực trong lĩnh vực STEM và cùng với đó có thể cạnh tranh trong nền kinh kế mới”.

ĐẶC ĐIỂM QUAN TRỌNG VỀ GIÁO DỤC STEM

Cách tiếp cận liên ngành

Xin nhấn mạnh đây là phương pháp “liên ngành” khác với “đa ngành”. Mặc dù cũng là có nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nhưng “liên ngành” thể hiện sự kết nối và bổ trợ lẫn nhau trong các ngành. Chính vì thế, nếu một chương trình học, một trường học chỉ có nhiều môn, nhiều giáo viên dạy các ngành khác nhau mà không có sự kết nối và bổ trợ lẫn nhau thì chưa được gọi là giáo dục STEM.

Giáo dục STEM sẽ phá đi khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc “tức thì” trong môi trường làm việc có tính sáng tạo cao với những công việc đòi hỏi trí óc của thế kỷ 21.

Điều này phù hợp với cách tiếp cận tích hợp trong chương trình giáo dục mới. Vì thế, tư tưởng này của giáo dục STEM cần được khai thác và đưa vào mạnh mẽ trong chương trình giáo dục mới.

Lồng ghép với các bài học trong thế giới thực

Có nghĩa là mang tính thực tiễn và tính ứng dụng kiến thức trong việc giải quyết các vấn đề thực tế. Ở đây, không còn rào cản của việc học kiến thức lý thuyết với ứng dụng. Do vậy, các chương trình giáo dục STEM nhất thiết phải hướng đến các hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tế cuộc sống.

Giáo dục STEM đề cao đến việc hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho người học. Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, học sinh được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học.

Để giải quyết vấn đề đó, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan đến vấn đề và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra.

Các kiến thức và kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày. Tư tưởng này của giáo dục STEM cũng cần được khai thác và đưa vào mạnh mẽ.

Đó là kỷ nguyên của thế giới phẳng, cách mạng công nghiệp 4.0, nơi mà tự động hóa và điều khiển từ xa thông qua các thiết bị điện tử di động lên ngôi, thông qua đường truyền Internet. Do vậy, quá trình giáo dục STEM không chỉ hướng đến vấn đề cụ thể của địa phương mà phải đặt trong mối liên hệ với bối cảnh kinh tế toàn cầu và các xu hướng chung của thế giới như biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo…

Giáo dục STEM đề cao một phong cách học tập mới cho người học, đó là phong cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học sẽ phải hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị; phải biết cách mở rộng kiến thức; phải biết cách sửa chữa, chế biến lại chúng cho phù hợp với tình huống có vấn đề mà người học đang phải giải quyết.

Sự thẩm thấu kiến thức theo cách như vậy chính là một trong những định hướng mà giáo dục cần tiếp cận. Tuy vậy, có thể thấy phương thức dạy học như trên là không hề dễ dàng ngay cả đối với thế giới chứ không chỉ riêng trong điều kiện hiện nay của chúng ta.

Ví dụ: Thông qua một hoạt động dạy học làm một chiếc cầu bằng gỗ để thay thế cho một chiếc cầu tại địa phương đã bị hư hỏng, giáo viên lồng ghép kiến thức khoa học về vật lý (như trọng lực, trọng tâm), kiến thức về toán (như tính toán độ dài, kiến thức hình học), sử dụng các công cụ thiết bị (như kéo, búa, máy tính) để thiết kế và lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Học sinh không chỉ học kiến thức chuyên môn (disciplinary core ideas), mà còn vận dụng các kỹ năng thực hành (practices) và tư duy liên ngành (crosscutting concepts).

Như vậy, cách định nghĩa về giáo dục STEM nói đến một cách tiếp cận liên ngành, liên môn học trong một chương trình đào tạo, cụ thể phải có bốn lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán. Giáo dục STEM giúp học sinh nhận thấy được tầm quan trọng của kiến thức các môn khoa học, toán và công nghệ và hướng đến sự vận dụng kỹ thuật trong việc giải quyết các vấn đề.

Ngay những trẻ em mẫu giáo, tiểu học cũng đã được học các chương trình tích hợp STEM, ví dụ như thông qua các trò chơi làm mô hình núi lửa, làm bong bóng bay, làm chong chóng quay… Mặc dù chỉ là các trò chơi đơn giản, nhưng được xây dựng và tổ chức có hệ thống và có sự kết nối các nhóm kiến thức với nhau.

Đối với những bạn có kế hoạch đi du học và đặc biệt là du học Mỹ thì chắc chắn nhóm ngành STEM là một lựa chọn không thể đúng đắn hơn!

VÌ SAO NÊN CHỌN NHÓM NGÀNH STEM?

Nhu cầu nhân lực cao

Bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng với một cường quốc khoa học kỹ thuật như Mỹ thì việc theo học trong lĩnh vực STEM sẽ mở ra cơ hội nghề nghiệp cực kỳ lớn sau này. Không chỉ riêng nước Mỹ, bất cứ quốc gia tiên tiến nào trên thế giới cũng luôn sẵn sàng mở rộng cánh cửa để chào đón các chuyên gia kỹ thuật đầu ngành.

Theo U.S Department of Labor tốc độ tăng trưởng việc làm trong ngành STEM khá nhanh, nhu cầu việc làm về toán học, máy tính, phần mềm, kỹ sư tăng lần lượt 16%, 2%, 32% và 62% đến năm 2020.

Được làm việc tại Mỹ 3 năm sau khi học xong

Du học sinh thị thực dạng F-1 đăng ký ngành học STEM sẽ được phép làm việc trong thời gian 36 tháng theo chương trình OPT. Theo bộ thương mại Mỹ, những ngành nghề trong nhóm STEM ở Mỹ có mức tăng trưởng 17%, trong khi các ngành nghề khác chỉ tăng khoảng 9,8%.

Việc được ở lại làm việc lâu hơn trên nước Mỹ cũng sẽ giúp bạn có thêm cơ hội nhận được thẻ xanh của Chính phủ Hoa Kỳ.

Thu nhập cao sau khi ra trường

Đây có lẽ là mối quan tâm hàng đầu với tất cả các sinh viên và cũng là lí do khiến cho các du học sinh đau đầu cân nhắc lựa chọn ngành nào cho phù hợp. Những con số thống kê dưới đây về thu nhập của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành STEM chắc chắn sẽ khiến bạn không ngần ngại thử sức mình với nhóm ngành này!

  • Công nghệ thông tin: $91,600
  • Khoa học thông tin máy tính: $136,280
  • Toán: $104,350
  • Kỹ sư: $102,000
  • Kỹ sư máy tính: $110,650
  • Kỹ sư cơ khí: $87,140
  • Khoa học quản lý: $82,940
  • Lập trình máy tính: $82,690
  • Vật lý: $117,300

Chúng ta đều có thể dễ dàng nhận thấy rằng để trở thành một quốc gia có khả năng cạnh tranh cao thì năng lực về khoa học và sáng tạo là rất quan trọng. Việc một quốc gia phát triển vững mạnh về khoa học và sáng tạo phụ thuộc rất nhiều vào một đội ngũ học sinh, sinh viên có kiến thức, kỹ năng và đam mê theo đuổi các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán.

Việt Nam Hiếu Học