HỎI ĐÁP THƯỜNG GẶP VỀ DU HỌC ĐỨC

Những nằm gần đây, Đức nổi lên như một trong những điểm đến du học châu Âu hấp dẫn của sinh viên nước ngoài nhờ chi phí phải chăng, chất lượng học thuật thể hiện tại nhiều bảng xếp hạng uy tín, và quan trọng là bằng cấp được công nhận quốc tế. Nếu bạn đang cân nhắc việc du học tại Đức, những chia sẻ từ Lila, du học sinh Việt Nam tại Đại học tổng hợp Mannheim, sẽ giúp bạn trả lời một số thắc mắc phổ biến.

1.Có cần biết nói tiếng Đức không?

Đừng quá băn khoăn nếu bạn không biết nói tiếng Đức mà vẫn muốn du học tại đây, bởi vì bạn hoàn toàn có thể chọn các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Các chương trình đào tạo bậc cử nhân bằng tiếng Anh có thể không nhiều, nhưng ở bậc sau cử nhân có rất nhiều chương trình bằng tiếng Anh để bạn lựa chọn. Cụ thể là ở năm học 2017 sẽ có 1000 chương trình thạc sĩ và 315 khóa tiến sĩ được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trang tin tổng hợp các Chương trình Quốc tế của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) là nguồn cơ sở dữ liệu toàn diện về các khóa học.

Một du học sinh Việt Nam có nickname Lila hiện đang theo tại Đại học tổng hợp Mannheim chia sẻ: “Mình thấy việc đi học ở Đức bằng tiếng Anh là việc khả thi, bởi các bạn có thể chọn học chương trình hoàn toàn tiếng Anh. Giáo sư/ tutor đa số có tiếng Anh rất tốt, phát âm rõ, dùng từ đa dạng, chứ không chỉ dùng từ đơn giản hay chung chung. Những bạn học cùng người Đức cũng nói tiếng Anh rất ổn. Tài liệu học cũng được viết tốt bằng tiếng Anh nên nếu đi học bằng tiếng Anh thì ngôn ngữ không phải vấn đề”.

Tuy nhiên, cũng như nhiều du học sinh đi du học ở quốc gia không có tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ, Lila cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “dắt túi” một ít vốn liếng ngôn ngữ địa phương để thuận tiện hơn cho đời sống lẫn khâu xin việc làm thêm. “Khi ra ngoài lớp học thì bạn vẫn cần có tiếng Đức để dễ dàng mua sắm, hỏi đường, kết bạn. Các biển chỉ dẫn trong trường, trên phố, trên tàu, trong bến tàu, siêu thị, giấy tờ ngân hàng, hợp đồng thuê nhà, hóa đơn… hoàn toàn bằng tiếng Đức mà không có tiếng Anh đi kèm nên nếu không biết tiếng Đức, dù ở mức cơ bản thôi, thì ban đầu sẽ gặp khó khăn một chút. Trong trường hợp bạn muốn xin một công việc part-time như bán hàng, bồi bàn mình cũng phải biết tiếng Đức mới có thể được nhận. Có thể ở những thành phố lớn như Frankfurt, Munich, Hamburg, Berlin, người bản địa sẽ nói được tiếng Anh nhiều hơn, nhưng theo mình, các bạn nên học tiếng Đức đến độ A2-B1 trước khi đi dù tiếng Đức có thể không phải tiêu chí bắt buộc khi theo học bằng tiếng Anh. Việc học tiếng Đức cũng giúp khả năng xin việc cao hơn sau này nếu muốn ở lại.”

Việc biết tiếng Đức sẽ giúp bạn hòa nhập nhanh chóng và thích nghi tốt hơn khi du học

2.Tuyển sinh vào đại học ở Đức khó không?

Đối với những học sinh Việt Nam có nguyện vọng sang Đức học, bạn nên tìm hiểu điều kiện học tập tại Đức trên DAAD để nắm thêm chi tiết dành cho từng nhóm đối tượng cụ thể.

Để theo học các chương trình đào tạo bằng tiếng Đức, bạn sẽ phải tham gia bài kiểm tra đánh giá năng lực vào Đại học có tên gọi là TestAS. Tùy theo kết quả TestAS mà các trường Đại học sẽ ưu tiên xét tuyển. Lưu ý, bạn có thể làm bài TestAS bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh vì việc chọn ngôn ngữ nào cho bài kiểm tra này không ảnh hưởng đến kết quả, cũng như các thủ tục về sau. Vì thế, bạn nên chọn ngôn ngữ mình cảm thấy tự tin nhất để làm TestAS.

Về cấu trúc, một bài TestAS sẽ bao gồm phần kiểm tra khả năng ngoại ngữ (Sprach-Screening, Language Screening) dưới hình thức trực tuyến trong vòng 30 phút, phần chính (Kerntest, Core Test) dưới hình thức viết tay trong khoảng 110 phút và phần chuyên Ngành (từ 145 – 150 phút) vốn được chia thành các nhóm Nhân văn học, Văn hóa học và Khoa học Xã hội, Khoa học Kỹ thuật, Toán, Tin và Khoa học Tự nhiên, hoặc Kinh tế học. Để rèn luyện khả năng tư duy và logic, bạn có thể tham khảo tại testas.de (tiếng Đức) hoặc tại testas.de (tiếng Anh).

Những bạn có nguyện vọng theo học chương trình cao học quốc tế (được dạy bằng tiếng Anh) tại Đức nên tìm hiểu thông tin cụ thể về điều kiện tuyển sinh tại trang web chính thức của cơ sở đạo tạo, bởi những trường này có quyền và chịu trách nhiệm trực tiếp về việc tuyển sinh. Nhìn chung, bên cạnh yêu cầu về học thuật, các trường còn rất coi trọng trình độ ngoại ngữ với Chứng chỉ TOEFL 550 điểm hoặc tương đương.

3.Chi phí thì sao nhỉ?

Nếu học phí đại học ở Vương quốc Anh đang tăng trên mức 9000 bảng/ năm, học phí ở các trường công lập ở Đức chỉ tốn khoảng vài trăm euros/ năm. Dĩ nhiên, nếu vào học trường tư thì bạn phải chuẩn bị mức học phí cao hơn.

Giải đáp về vấn đề chi phí du học trung bình cho cả năm học (bao gồm học phí và sinh hoạt phí) tại Đức, Lila cho biết: “Trường mình học không thu học phí nên mình chỉ cần trả 156euros/ kì phí admin cho trường. Tuy nhiên từ kì học tới, bang Baden Württemberg (nơi mình đang theo học, cũng là một bang lớn của Đức) sẽ thu học phí mức 1500e/kì với sinh viên quốc tế bắt đầu nhập học từ kì mùa thu này. Các bang khác hiện giờ vẫn chưa thu học phí. Sinh hoạt phí một năm ở Mannheim, thành phố lớn thứ 20 Đức, rơi vào khoảng 8000 euros. Trong đó, những chi phí cơ bản trong một tháng gồm 270e tiền nhà, 90e bảo hiểm, 30e vé tàu đi lại với mức giá ưu đãi dành cho sinh viên, 150e ăn uống với thói quen tự nấu mà mang đồ đi ăn trưa ở trường, còn lại là một khoản dành cho việc đi chơi tùy chỗ xa/ gần).”

Lựa chọn phương án đi lại thích hợp sẽ giúp bạn tiết kiệm khoản chi phí đáng kể

Lila chia sẻ thêm “So với đánh giá của những bạn du học sinh diện sinh viên trao đổi từ Phần Lan, Na Uy, Mỹ sang Đức, mức phí ở Đức rẻ hơn so với các nước kể trên.”

4.Sinh viên sống ở đâu?

Theo The Guardian, ở Đức, hầu hết sinh viên sống trong hoặc quanh các thành phố vá chỉ có khoảng 10% sinh viên sống trong các khu học xá hoặc các ký túc xá. Cũng vì điều này mà sinh viên Đức được cho là có phong cách sống có phần độc lập hơn sinh viên các nước khác. Có thể nói, với những người không thích sống cuộc sống kí túc thì việc tự thuê nhà ở riêng sẽ giúp bạn trở nên độc lập và trưởng thành hơn rất nhiều.

Điều này không có nghĩa là không có ký túc xá đại học ở Đức. Ở mỗi thành phố đều có một lượng ký túc xá riêng, với tỉ lệ cung cầu có thể khác biệt theo từng trường. Để đảm bảo có một phòng trong ký túc, bạn nên liên hệ với bộ phận chuyên trách của trường để đăng ký ngay khi nhận được giấy báo trúng tuyển. Quy trình đăng ký phòng ký túc thường được hướng dẫn bởi Studentenwerk, một bộ phận chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên.

Để tìm kiếm nhà thuê trong thời gian du học Đức, bạn cũng có thể tìm đến mục Accommodation Finder của trang Study-in để tham khảo, hoặc hỏi thăm các nhóm hội du học sinh Việt Nam tại Đức.