Để có thể hoà nhập được ở Đức hay đơn giản là giao tiếp với người Đức tốt thì mình cần phải hiểu về con người và văn hoá của họ. Có rất nhiều khi chúng ta không biết mà dẫn đến hiểu lầm, dẫn đến việc chúng ta sẽ lúng túng trong nhiều trường hợp khác nhau hoặc gây ấn tượng xấu đối với họ mà bạn thân mình lại nhầm tưởng rằng họ kì thị mình.
Trong bài viết này chúng tôi giới thiệu cho các bạn đôi nét về văn hoá giao tiếp và con người Đức để chúng mình cùng hoà nhập tốt hơn nhé !
*Chào hỏi:
Trong cuộc sống hàng ngày, thường thì người đến sau sẽ lên tiếng chào trước. Còn trong quan hệ kinh doanh thì nên chào theo thứ bậc. Đối với những người lần đầu gặp mặt, chỉ sau khi làm quen xong mới bắt tay, cái bắt tay ngắn, nhẹ nhàng và khi bắt tay nhìn thẳng vào nhau. Nếu như đã thân nhau rồi thì sẽ ôm một cái ” drücken ” khi gặp nhau.
*Làm quen:
Khi làm quen, chú ý nhấn mạnh vào những điểm tương đồng để tạo ra một bầu không khí thân thiện. Không nên đề cập đến những chủ đề chính trị hay tôn giáo.
*Cách ứng xử qua điện thoại:
Người gọi điện đến thường phải chào và giới thiệu về mình. Người được gọi điện thoại ít nhất nên xưng tên. Còn khi gọi điện thoại công cộng không nên nói tên cụ thể, phòng bị nghe trộm.
*Trao danh thiếp
Khách là người đầu tiên trao danh thiếp. Nếu trao cho nhóm người thì người có cấp bậc cao nhất được trao đầu tiên. Nếu không biết thứ tự cấp bậc của chủ nhà thì trao danh thiếp cho tất cả, bắt đầu từ người ở bên cạnh mình. Phải xem danh thiếp trước khi cất đi.
*Chỉ trả lời đúng ý câu hỏi
Người Đức thích sự chính xác. Do đó, nếu bạn hỏi câu yes-no thì câu trả lời bạn nhận được cũng chỉ là “yes” hoặc “no”. Ví dụ, nếu bạn hỏi “đây có phải là đường đến ga tàu hỏa không?” thì bạn sẽ chỉ nhận được câu trả lời gọn lỏn “đúng” hoặc “không”. Nhưng nếu bạn hỏi rằng “vui lòng cho hỏi phải đi đường nào để đến ga tàu hỏa?” thì người Đức sẽ sẵn sàng hướng dẫn cho bạn một cách cặn kẽ.
*Thói quen nói những gì họ nghĩ:
Người Đức nổi tiếng thẳng thắn và rõ ràng; họ sẵn sàng góp ý, đánh giá, từ chối một cuộc hẹn, lời mời hay yêu cầu được giúp đỡ khi gặp khó khăn. Đối với họ, không bao giờ có khái niệm nói giảm nói tránh hay những lời nói dối ngọt ngào.
*Nhặt được của rơi…hãy treo chúng lên cây:
Người Đức sẽ không bao giờ lấy bất cứ thứ gì không thuộc về họ. Mỗi khi họ nhặt được đồ của ai đó đánh rơi, họ sẽ treo chúng lên cây giúp chủ nhân của những đồ vật đó có thể tìm thấy chúng một cách dễ dàng hơn.
*“CROSS YOUR FINGERS” CÓ NGHĨA LÀ NÓI DỐI
Nếu như đối với văn hóa nước Mỹ và Anh quốc, việc bắt chéo giữa ngón trỏ và ngón giữa có ý nghĩa “chúc may mắn” thì ở Đức lại không như vậy. Đối với họ, hành động đó thể hiện rằng bạn không trung thực với lời nói của mình.
*Người Đức rất tử tế và hào phóng:
Mặc dù những hành động trên của người Đức khiến ta cảm thấy họ kì lạ nhưng không có nghĩa họ là người xấu. Việc họ sống theo nguyên tắc và thẳng tính về cơ bản lại là những phẩm chất tốt. Chỉ cần bạn chân thành với họ thì rất có thể bạn sẽ có những người bạn tốt đấy bởi vì người Đức luôn đặt gia đình và bạn bè lên trên hết.
Nhìn ngoài họ có vẻ lạnh lùng nhưng người Đức thực sự là những người ” bạn thực sự ” khi đã quen biết nhau. Qua bài viết này Việt Nam Hiếu Học hi vọng các bạn có thể trang bị cho mình thêm một chút kiến thức để chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình du học Đức của mình.
Chúc các bạn thành công và may mắn !