Với hơn 5000 trường đại học và cao đẳng rộng khắp trên toàn quốc, Mỹ đã khẳng định vị thế là cường quốc giáo dục hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, để lựa chọn được trường phù hợp, sinh viên cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như ngân sách, mục tiêu học tập, và đặc trưng riêng của từng loại hình đại học/cao đẳng. Việt Nam Hiếu Học sẽ thông tin đến bạn các loại hình trường đại học của Mỹ cùng những ưu, nhược điểm của từng loại hình, để giúp các bạn đưa ra quyết định tối ưu, đảm bảo việc theo học mang lại những cơ hội tốt nhất cho sự phát triển của bản thân.
1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA (National University)
Đại học Quốc gia (NU) ở Mỹ được xem là các cơ sở giáo dục đa dạng và lâu đời, thường xuyên đứng đầu trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu với quy mô sinh viên lớn. Các trường này cung cấp chương trình đào tạo đa dạng từ cấp đại học đến sau đại học, bao gồm nhiều lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật, kinh doanh và nghệ thuật. Các trường điển hình phải kể đến: Harvard University, University of Pennsylvania, Dartmouth College, Boston University, University of California – Los Angeles, University of New York, Arizona State University….
National University đào tạo theo chiều rộng, bao gồm các ngành học đa dạng của bậc đại học (undergraduate), thạc sĩ (master’s degree) và tiến sĩ (doctoral degree). Nhiều NU đầu tư chuyên sâu về nghiên cứu khoa học và học thuật và được chính phủ đài thọ các đề tài nghiên cứu. Ngoài ra, các National University cũng có một nhiệm vụ ngầm là nghiên cứu ra các đề tài mang tính thực tiễn cao cũng như có tầm cỡ thay đổi thế giới (groundbreaking researches). Tại các trường này, giáo sư thường tập trung vào nghiên cứu nhiều hơn là giảng dạy, bởi đây là yếu tố quan trọng giúp các trường đạt được danh tiếng cao.
Quy mô sinh viên tại các trường Đại học Quốc gia ở Mỹ dao động từ 10.000 đến 40.000 người, bao gồm cả cấp đại học và sau đại học. Vì số lượng sinh viên đông đảo, việc một giảng đường có từ 100 đến 200 người là điều bình thường. Một trong những lợi thế quan trọng khi học tại các trường Đại học Quốc gia là cơ hội tham gia vào các dự án nghiên cứu thực tế. Sinh viên có thể tham gia thực tập nghiên cứu để tích lũy kinh nghiệm và mở rộng kiến thức chuyên môn. Bên cạnh đó, các trường đại học quốc gia cung cấp một loạt các ngành học sâu và chuyên biệt. Ví dụ, ngoài ngành Sinh học (Biology), sinh viên có thể theo học các ngành liên quan như Vi sinh vật học (Microbiology), Khoa học Y sinh (Biomedical Science) và Sinh học Tế bào (Cellular Biology).
Tuy nhiên, một bất cập của các đại học quốc gia là sinh viên thường ít có cơ hội tương tác trực tiếp với giáo sư, vì giảng dạy thường được giao cho các trợ giảng (Teaching Assistant). Khi có thắc mắc hay cần hỗ trợ, sinh viên sẽ phải làm việc với trợ giảng trước.
Về mặt tài chính, đa số các đại học quốc gia không quá hào phóng với sinh viên quốc tế bậc cử nhân. Những trường đại học trong top 20 của US News như Harvard, Princeton, Yale, Chicago, Duke, Notre Dame và Vanderbilt là những trường có thể cung cấp hỗ trợ tài chính đáng kể cho sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là những trường rất khó để được chấp nhận vào học. Nếu bạn được nhận vào những trường này, khả năng cao là bạn sẽ nhận được hỗ trợ tài chính đủ để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt trong phạm vi ngân sách của gia đình.
Sinh viên Việt Nam tại các đại học quốc gia thường đến từ các gia đình khá giả, có khả năng chi trả từ 40.000 đến 75.000 USD (khoảng 947 triệu đồng đến 1,6 tỷ đồng) mỗi năm cho học phí và chi phí sinh hoạt. Điều này thể hiện mức độ đầu tư lớn về tài chính mà các gia đình dành cho con cái khi du học tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ.
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Cơ hội tiếp cận với những giáo sư hàng đầu của chuyên ngành.
– Cơ hội tiếp xúc với sinh viên không chỉ thuộc bậc đại học. – Cơ hội tham gia dự án cùng các giáo sư cũng như thực hiện hoài bão nghiên cứu các đề tài ngay khi đang học tập. – Cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt là khoa học và nghệ thuật. – Có nhiều lựa chọn ngành học: có thể chọn cả ngành học có tính thực tiễn cao (Marketing, Business, IT) lẫn các ngành học mang tính học thuật (Social Study, Math, Physics..) – Mạng lưới du học sinh (current students) và cựu sinh viên (alumni) mạnh – Có tên tuổi trên thế giới (name recognition) – Thư viện hiện đại và đồ sộ. – Định hướng nghề nghiệp ngay sau khi ra trường. |
– Lớp học lớn nên ít cơ hội được trao đổi học tập trực tiếp từ các giáo sư.
– Nhiều khi phải học các lớp do trợ lý giảng dạy (teacher assistant) do trường lớn và số lớp nhiều – Ít học bổng (trừ các trường hợp xuất sắc, ngoại lệ) vì kinh phí tập trung vào nghiên cứu. – Cộng đồng sinh viên không khăng khít do lượng học sinh quá đông. |
2. CAO ĐẲNG CỘNG ĐỒNG (COMMUNITY COLLEGE):
Các chương trình phổ biến ở các trường cao đẳng cộng đồng bao gồm chứng chỉ (Certificates), văn bằng (Diploma) và bằng liên kết hai năm (Associate Degree’s). Sau khi hoàn thành chương trình hai năm, sinh viên có thể liên thông lên trường đại học để hoàn thành bằng cử nhân. Đáng chú ý, hầu hết các trường cao đẳng cộng đồng đều áp dụng chính sách tuyển sinh mở, không yêu cầu quá trình xét tuyển căng thẳng.
Các ưu điểm chính của cao đẳng cộng đồng bao gồm: học phí phải chăng, quy mô lớp học nhỏ, lịch học linh hoạt, và môi trường đào tạo hướng nghiệp. Ngoài ra, nhiều trường cao đẳng cộng đồng có thỏa thuận liên kết với các trường đại học 4 năm, giúp quá trình chuyển tiếp của sinh viên trở nên dễ dàng hơn. Sinh viên có thể hoàn thành hai năm đầu tại cao đẳng cộng đồng và sau đó chuyển tiếp để hoàn thành hai năm cuối tại một đại học, nhận bằng cử nhân. Đây là một con đường phổ biến và hiệu quả về chi phí cho nhiều sinh viên quốc tế.
Nhiều trường còn cung cấp các chương trình hỗ trợ nâng cao kỹ năng tiếng Anh cho sinh viên quốc tế. Đây là những yếu tố khiến cao đẳng cộng đồng trở thành lựa chọn lý tưởng cho những du học sinh có điều kiện tài chính hạn chế hoặc chưa thành thục về tiếng Anh.
ĐỌC THÊM: DU HỌC MỸ CÓ TỐN KÉM NHƯ BẠN NGHĨ
3. ĐẠI HỌC KHAI PHÓNG (LIBERAL ARTS COLLEGE)
Đại học khai phóng, hay còn gọi đại học đại cương là chương trình học tập trung truyền đạt các kiến thức tổng hợp (general knowledge) cũng như phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, tổng hợp kiến thức và suy nghĩ có phân tích của học sinh. Khái niệm Liberal Arts bắt nguồn từ quan điểm giáo dục Châu Âu, nhằm đào tạo các nhà lãnh đạo có kiến thức rộng về nhiều mặt và có khả năng gây ảnh hưởng lên số đông nhờ khả năng truyền đạt thông tin vô cùng hiệu quả dựa trên kiến thức đa dạng của mình. Quan điểm giáo dục Liberal Arts cho rằng phần lớn các kiến thức đào tạo trong trường sẽ được đào tạo lại khi bắt đầu đi làm, và điều quan trọng là sinh viên được đào tạo tư duy sắc sảo và khả năng viết và giao tiếp tốt.
Như vậy, chương trình Liberal Arts không đi sâu vào một ngành nghề (specialization) nào mà tập trung vào đào tạo tư duy và cách suy nghĩ của học sinh. Liberal Arts bao gồm các môn khoa học tự nhiên và xã hội như Toán, Vật lý, Tâm lý, Xã hội học, Kinh tế học…. Các trường đại học giảng dạy theo chương trình Liberal Arts và chỉ tập trung vào đào tạo bậc đại học (undergraduate). Tuy nhiên, học sinh của các trường đại học Liberal Arts sẽ có một định hướng ngành học rõ ràng (concentration/major), thường là sau năm thứ nhất hoặc thứ hai. Một số trường LAC như: Amherst College, Williams College, Depauw University, Wabash College, Lafayette College, St. Olaf College, Carleton College, Furman University, Wellesley College.
LAC thường nhỏ, chỉ 1.000 – 3.000 sinh viên, sĩ số 10 – 20/ lớp học, giúp tăng sự tương tác với giáo sư. LAC cũng hào phóng nhất với sinh viên quốc tế ở Mỹ. Trong top 100 LAC, đa số có tổng chi phí (học phí và ăn ở) lên đến 60.000 USD (hơn 1,49 tỷ đồng) một năm. Tuy nhiên, sinh viên quốc tế thường được hỗ trợ ở mức cao. Những sinh viên Việt Nam ở đây thường chỉ đóng ở mức 20.000-30.000 USD (496-744 triệu đồng).
Triết lý của đại học khai phóng hướng đến việc đào tạo cá nhân toàn diện. Quan điểm của họ là sinh viên tốt nghiệp phải đối mặt với nhiều vấn đề toàn cầu hóa hay việc công nghệ, máy móc thay thế nhiều việc làm truyền thống. Vì thế, hệ thống giáo dục khai phóng muốn giúp người học thích nghi nhanh với những sự thay đổi này. Do đó, một sinh viên chuyên ngành Toán không chỉ học lớp Toán, mà còn học các lớp về chính trị quốc tế, hùng biện, lịch sử, và âm nhạc.
Tuy nhiên, do quy mô nhỏ, cơ hội thực tập nghiên cứu vào mùa hè tại các trường LAC thường có giới hạn. Nhiều sinh viên Việt Nam thường xin thực tập hè tại các trường đại học lớn hơn. Hơn nữa, các ngành học tại LAC thường không chuyên sâu. Một điểm yếu khác là các trường LAC thường không có hoặc có rất ít chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.
Tại LAC, bạn sẽ phát triển khả năng tự học và khả năng kết nối các lĩnh vực khác nhau. Giáo sư thường tập trung vào việc dạy học thay vì nghiên cứu và thường sẽ giảng dạy trực tiếp. Điều này tạo cơ hội tốt để xây dựng mối quan hệ với giáo sư, điều quan trọng nếu bạn muốn theo học thạc sĩ hoặc tiến sĩ, vì bạn sẽ cần thư giới thiệu mạnh mẽ từ họ.
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Phần lớn ĐH Liberal Arts là trường tư dành cho giới trung lưu trở lên nên hệ thống hỗ trợ tài chính từ cộng đồng phụ huynh giàu có cũng như các tổ chức tư nhân dồi dào.
– Giáo sư chú trọng đến từng cá nhân do số học sinh trong một trường ít. – Cộng đồng sinh viên gắn bó khăng khít nên dễ dàng xây dựng các mối quan hệ có ích cho công việc và cuộc sống. – Nền giáo dục toàn diện. |
– Cơ sở vật chất không được dồi dào như các trường đại học quốc gia.
– Ít phổ biến hơn so với các trường đại học quốc gia. – Không nhiều khóa học để chọn lựa như đại học quốc gia. – Các khóa học mang tính hướng nghiệp như Kế Toán, Tài chính…thường không có nhiều nên khó khăn cho những học sinh muốn chọn những ngành cụ thể này. |
4. ĐẠI HỌC KHU VỰC (Regional University và Regional College)
Đại học khu vực (Regional University) chủ yếu phục vụ nhu cầu giáo dục của một khu vực cụ thể. Các trường này thường cung cấp chương trình đào tạo đa dạng nhưng không phong phú bằng các đại học quốc gia. Họ tập trung vào việc đào tạo sinh viên phục vụ thị trường lao động của địa phương và khu vực. Đơn cử là các trường như California State University, Long Beach và University of Texas at Dallas….
Đại học theo khu vực (Regional University – REU) có quy mô nhỏ hơn so với các Viện đại học quốc gia, thường khoảng 3.000 – 4.000 sinh viên. Tỷ lệ đậu vào các trường này thường cao hơn so với hai loại hình trường đại học khác. Chẳng hạn, tỷ lệ đậu ở Providence College là 47%, còn Whitworth University lên đến 91%.
Regional University và Regional College là các trường đại học đào tạo bậc đại học và thạc sĩ, chỉ có một số ít các trường là đào tạo tiến sĩ. Các trường đại học này còn được gọi là Master’s university cũng là vì lí do trên. Regional University khá tương đồng với National University về nhiều mặt, chỉ khác là Regional University không đào tạo đến bậc tiến sĩ và quy mô nhỏ hơn. Trong số 626 Regional University, 263 trường là đại học công, 350 là trường tư và 13 thuộc các tổ chức kinh tế (tương tự như ĐH FPT ở Việt Nam). Trong khi đó, Regional College khá giống với Liberal Arts College ở chỗ tập trung chính vào giáo dục Đại học. Tuy nhiên, trong số 370 Regional College (bao gồm 95 trường công, 259 trường tư và 16 trường thuộc các tổ chức kinh tế) chỉ khoảng 50% số trường này đào tạo theo định hướng của Liberal Arts, còn lại đào tạo theo các định hướng nghề nghiệp và chuyên môn nhiều hơn.
Đại học khu vực thường ít được biết đến ở những vùng khác vùng của đại học đó. Vì vậy, đa số sinh viên ra trường hay học sinh đang ở trường sẽ làm việc hay thực tập ở khu vực xung quanh trường (trong cùng một thành phố, vùng hoặc bang). Vì đặc tính vùng miền này, Regional University và Regional College đã được US News đặt tên mới như hiện nay (Đại học khu vực) thay vì tên Master University như cũ. US New và đồng thời gọi đại học Liberal Arts là National Liberal Arts College vì độ phổ thông khá lớn của các trường này.
Du học sinh Việt ít quan tâm đến những trường đại học ở Mỹ này vì chúng không nổi tiếng hoặc không quá hào phóng về mặt tài chính. Tuy nhiên, thực tế nhiều Viện đại học vùng có chất lượng giáo dục tốt và cung cấp nhiều chương trình nghiên cứu cho sinh viên cao học. Mỹ có nhiều trường thuộc loại này, nên US News xếp hạng các trường này theo 4 vùng địa lý: Đông, Tây, Nam và Bắc. Ví dụ, Providence College được xếp hạng số 1 ở vùng phía Bắc, còn Whitworth University đứng thứ 4 ở vùng phía Tây.
Nhiều REU có học phí cao, khoảng 70.000 USD mỗi năm. Mức độ hào phóng trong việc hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế thì tùy thuộc vào từng trường. Một số trường có chính sách hỗ trợ tài chính tốt, nhưng không phải trường nào cũng như vậy. Điều này khiến cho các trường REU ít được chú ý hơn bởi du học sinh Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu bạn tìm kiếm một môi trường học tập chất lượng với tỷ lệ đậu cao và không quá cạnh tranh, các đại học theo khu vực có thể là một lựa chọn đáng cân nhắc. Chất lượng giáo dục tại những trường đại học ở Mỹ này vẫn rất tốt và cung cấp nền tảng vững chắc cho sự nghiệp tương lai.
Việt Nam Hiếu Học hy vọng rằng những thông tin này sẽ là nguồn tham khảo hữu ích, giúp các bạn đưa ra quyết định lựa chọn trường phù hợp với mục tiêu của bản thân cũng như tài chính của gia đình. Việt Nam Hiếu Học luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn trong quá trình tìm kiếm và lựa chọn con đường học tập tốt nhất.
VIỆT NAM HIẾU HỌC